Lý thuyết ‘kẻ ngốc hơn’ lý giải việc Elon Musk giàu nhanh chóng mặt

Lý thuyết ‘kẻ ngốc hơn’ lý giải việc có 1 cơ số người xa lạ đang âm thầm giúp Elon Musk giàu nhanh chóng mặt, vượt từ Bill Gates tới Warren Buffett. “Những kẻ ngốc hơn” cứ việc mua đi bán lại cổ phiếu Tesla, và việc của Elon Musk chỉ là đếm tài sản tăng lên hàng ngày.

Thời điểm hiện tại, không có nhiều cái tên có được sức nóng như Tesla trên thị trường chứng khoán.

Công ty xe ô tô điện này đã chính thức vượt Toyota Motor vào ngày 1/7 để trở thành nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới. Vốn hóa thị trường của họ hiện đạt 835 tỷ USD – tức là lớn hơn rất nhiều so với vốn hoá tương tự của 7 nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản gộp lại.

Điều đáng nói là mới chỉ khoảng 1 năm trước, vốn hoá thị trường của Tesla chỉ quanh mức hơn 300 tỷ USD. Cũng nhờ cổ phiếu tăng không ngừng nghỉ như vậy mà tài sản của CEO Elon Musk cũng tăng lên chóng mặt. Tính tới ngày thứ 6, Elon Musk nắm trong tay 230 tỷ USD, lớn hơn cả tài sản của 2 tiền bối là Bill Gates và Warren Buffett gộp lại.

Biểu đồ cổ phiếu Tesla khoảng thời gian gần đây gợi nhớ đến những công ty trong giai đoạn bùng nổ bong bóng dot-com năm 1999 và sự tăng lên như vũ bão của Bitcoin những năm 2017. Tuy nhiên, trong trường hợp của Tesla, sự thăng hoa của họ dựa trên một vài cơ sở thực tế.

Sự chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang xe điện là xu hướng thực tế đang hiện hữu. Kết quả kinh doanh của Tesla là minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định này. Quý II, lợi nhuận từ hoạt động bán ô tô – chưa bao gồm chứng nhận không phát thải của Tesla là 25,8%, tăng từ mức 22% trong quý trước và 18,7% cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, doanh thu quý II của hãng gần như tăng gấp đôi lên 11,96 tỷ USD. Tesla đã giao tổng cộng 201.250 xe và sản xuất tổng cộng 206.421 xe. Tổng lãi ròng trong quý II của công ty đạt mức kỷ lục 1,1 tỷ USD.

Đến quý III, Tesla tiết lộ họ có thể bán được 241.300 xe và sản xuất khoảng 238.000 xe mặc cho các hãng khác đều chứng kiến doanh số bán giảm do ảnh hưởng của tình trạng thiếu chip trên toàn cầu. Điều này giải thích tại sao các nhà đầu tư vẫn không hề giao động khi giá trị của công ty tiếp cận mức của những gã khổng lồ công nghệ.

Tuy nhiên, kỳ vọng tốc độ tăng trưởng cao không thể lý giải đầy đủ cho sự gia tăng giá theo cấp số nhân của cổ phiếu Tesla. Dường như một số nhà đầu tư đã mua cổ phiếu công ty này với niềm tin rằng một ai đó sẽ mua lại số đó từ họ ở mức giá cao hơn nữa. Nhưng “một số nhà đầu tư” đó là ai? Tờ Nikkei nhận định rằng có lẽ là nhà đầu tư đang đặt cược vào cổ phiếu này với dự đoán về làn sóng mua với bất kể giá nào.

Tâm lý của những nhà đầu tư với cổ phiếu Tesla có thể được giải thích dựa vào Lý thuyết “kẻ ngốc hơn” (Greater Fool) cho rằng bạn có thể kiếm lợi từ việc đầu tư miễn là ngoài kia có một kẻ ngốc hơn bạn, sẵn sàng đầu tư ở một giá cao hơn. Điều đó có nghĩa là bạn có thể kiếm tiền từ những cổ phiếu bị định giá quá cao so với giá trị thực tế miễn là có người nào đó ngốc nghếch sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được nó từ bạn.

Nếu hành động theo lý thuyết Kẻ ngốc hơn, nhà đầu tư sẽ mua chứng khoán mà không quan tâm đến chất lượng của chúng. Nếu lý thuyết này đúng, nhà đầu tư sẽ vẫn có thể bán cổ phiếu cho một ai đó “ngốc hơn” ngoài kia, một kẻ cũng đang hy vọng có thể tiếp tục bán chúng đi và kiếm lời một cách nhanh chóng.

Dẫu vậy, trong một số trường hợp, lý thuyết Kẻ ngốc hơn không hiệu quả. Chẳng hạn như khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Vào năm 2008, khi các nhà đầu tư nắm giữ các loại chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp, rất khó để tìm được người mua lại chúng khi thị trường sụp đổ.

Theo: Doanh nghiệp & Tiếp thị

Để lại một bình luận