Cốc Cốc và “vết xe đổ Yeah1”

Theo đại diện Cốc Cốc, Google và Apple yêu cầu trình duyệt này gỡ bỏ các tính năng giải trí nếu không sẽ bị loại bỏ trên kho ứng dụng của hai hãng này dù không vi phạm điều khoản nào. Google cũng chặn Cốc Cốc khi sử dụng một số dịch vụ của họ, như không thể đăng nhập Gmail để đồng bộ trên trình duyệt, hay hiện cảnh báo đề nghị người dùng chuyển sang sử dụng Chrome.

Bài học lớn từ Yeah1

Việc bị chèn ép này của Cốc Cốc có thể hiểu được vì thị trường Việt Nam từng có một bài học rất lớn diễn ra chưa lâu, Yeah1. Yeah1 đã từng là một công ty rất mạnh trong việc làm nội dung hướng đến giới trẻ và tạo ra những xu hướng mới phát lên trên YouTube. Họ có 7 tỉ lượt xem mỗi tháng, đặc biệt là những khách hàng trẻ, những người sẵn sàng chi thoáng cho các sản phẩm yêu thích hoặc đang là xu hướng.

Trong trường hợp của Cốc Cốc, để tự chủ, hoặc là họ phải tự xây mã nguồn của chính mình, hoặc nên chuyển sang xây dựng dựa mã nguồn mở tự do.

Giá cổ phiếu (YEG) của họ thời đỉnh cao đạt 343.000đ/cp. Doanh thu năm 2018 của Yeah1 đạt 1.658 tỉ đồng, tăng trưởng 97%, lợi nhuận sau thuế cả năm 180 tỉ đồng so với mức 82 tỉ đồng của năm 2017. Yeah1 có lẽ đã vẫn phát triển mạnh mẽ nếu như đầu tháng 03/2019 Youtube (thuộc sở hữu của Google) không khóa toàn bộ tài khoản Youtube Adsense của họ với lý do “hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách”.

90% doanh thu của Yeah1 đến từ hoạt động trên Youtube, Yeah1 gần như không thể đỡ được “đòn đau” này. Chỉ trong một ngày cổ phiếu của họ bốc hơi 500 tỷ đồng vốn hóa, 10 ngày sau bốc hơi 3000 tỷ, cổ phiếu rớt giá còn hơn 10.000đ/cp. Đến nay Yeah1 vẫn chưa gượng dậy lại được. Vì Yeah1 kinh doanh trên nền tảng Youtube, nên Youtube hoàn toàn nắm trong tay quyền sinh sát Yeah1. Youtube thích “ra tay” lúc nào, Yeah1 “chết” lúc đó.

“Không nên xây nhà trên đất người khác”

Cốc Cốc cũng kinh doanh phụ thuộc vào nền tảng của doanh nghiệp khác như Yeah1, nên gặp những tình huống bị chèn ép giống Yeah1 chỉ là sớm hay muộn. Mã nguồn trình duyệt Cốc Cốc được xây dựng trên lõi phần mềm nguồn mở có tên là Chromium, và Chromium là của Google. Cốc Cốc chỉnh sửa và đưa vào thêm các tính năng giải trí, tiện ích khác.

Cốc Cốc dùng sản phẩm của Google để đi cạnh tranh với chính Google, vậy nên bị “chèn ép” là điều…đương nhiên. Và không chỉ mỗi Cốc Cốc, mà các trình duyệt dùng Chromium giống Cốc Cốc như Opera, Brave, Vivaldi, v.v. đều gặp tình trạng tương tự: không tương thích hay hiện khuyến cáo chuyển sang Chrome.

Để xây dựng nên một trình duyệt mới hoàn toàn là điều rất khó, phải bỏ ra rất nhiều nguồn lực và thời gian. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp, như Cốc Cốc, đã lấy mã nguồn của Google và chỉnh sửa để tạo thành sản phẩm của mình để tiết kiệm nguồn lực, tiết kiệm thời gian, hơn nữa, tận dụng được công sức và công nghệ của Google, và cái giá phải trả là mất đi sự tự chủ hoàn toàn, ví dụ như sự chèn ép mà Cốc Cốc cùng các trình duyệt tương tự Cốc Cốc đang phải chịu.

“Không nên xây nhà trên đất người khác” – Yeah1 đã phải bỏ nhiều ngàn tỷ để học bài học đó. Việc kinh doanh dựa trên “đất của người khác” chỉ phù hợp với những công ty nhỏ, mới thành lập. Còn muốn vững mạnh trường tồn thì phải tìm cách tự đứng trên đôi chân của mình.

Trong trường hợp của Cốc Cốc, để tự chủ, hoặc là họ phải tự xây mã nguồn của chính mình, hoặc nên chuyển sang xây dựng dựa mã nguồn mở tự do, như Firefox hay Tor. Ngoài ra họ có thể nhờ sự giúp đỡ, can thiệp của chính phủ để giảm bớt sự chèn ép (nếu chứng minh được) không lành mạnh trên lãnh thổ Việt Nam.

Nhưng dù bằng cách nào, trước hết doanh nghiệp vẫn nên phải đứng trên đôi chân của chính mình.

Nguồn: Bất Nhi, Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Để lại một bình luận