Theo thống kê, tỷ lệ người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam đạt khoảng 73,5% và mục tiêu sẽ nâng tỷ lệ này lên 85% năm 2022.
Dự thảo Chiến lược hạ tầng số quốc gia đến năm 2025 và kế hoạch năm 2022 đặt mục tiêu 85% người trưởng thành có Smartphone.
Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), cuối năm 2021, Việt Nam đã có 91,3 triệu thuê bao smartphone. Đến tháng 3/2022, đã có thêm hơn 2 triệu thuê bao sử dụng smartphone, nâng tổng số thuê bao dùng smartphone tại Việt Nam lên con số 93,5 triệu. Theo Cục Viễn thông, ước tính tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone đạt khoảng 73,5%.
Theo thống kê, hiện nay một số tỉnh còn có tỷ lệ dân số chỉ sử dụng featurephone (điện thoại phổ thông) cao như: Long An còn 12,6%; Tiền Giang còn 13,5%; Bến tre còn 15%; Nam Định còn 12,8% và Thanh Hóa còn 12,4%.
Trong khi đó, các địa phương có tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone thấp là Sơn La với 58,3%, Hà Giang có tỷ lệ 56,1%, Lai Châu với 56,6% và Điện Biên với 57,6%.
Hải Phòng là địa phương có tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone cao nhất với 78,4%, tiếp theo là Đà Nẵng với 77,8%. Tỷ lệ người trưởng thành dùng smartphone tại HCM đạt 75,7% và Hà Nội là 74,5%.Tương ứng, các tỉnh có tỷ lệ dân số chỉ sử dụng featurephone thấp như Đà Nẵng với 6,3%; TP.HCM còn 7,9% và Cà Mau là 7,3%.
Để đạt mục tiêu 85% người trường thành sử dụng smartphone, Cục Viễn Thông cho biết cần phát triển 8,6 triệu thuê bao smartphone từ 10 triệu người đang sử dụng điện thoại featurephone.
Để đạt mục tiêu này, Cục Viễn Thông cho biết cần ưu tiên sử dụng smartphone cũng như các ứng dụng trên smartphone. Các doanh nghiệp xây dựng gói cước hỗ trợ phát triển tiêu dùng dữ liệu. Ngoài ra, thí điểm dừng công nghệ 2G và cung cấp thống kê smartphone cho tỉnh, thành phố và doanh nghiệp.
Nguồn: ictnews.vietnamnet.vn