Mong muốn chinh phục những vị trí quản lý cấp cao là điều mà tất cả mọi người đều hướng đến trên con đường sự nghiệp của mình. Nhưng để hoàn thành ước mơ này, việc tiếp thu những kiến thức, nghiệp vụ chuyên ngành là chưa đủ. Những kỹ năng mềm đối với một người quản lý là rất quan trọng, trong đó phải kể đến kỹ năng lãnh đạo. Và nội dung bài viết hôm nay sẽ đi sâu phân tích kỹ năng lãnh đạo là gì? Đó là một kỹ năng riêng lẻ hay là một tập hợp của những kỹ năng?
Kỹ năng lãnh đạo là gì?
Kỹ năng lãnh đạo là kỹ năng được sử dụng để định hướng, sắp xếp những cá nhân, những bộ phận cùng phối hợp thực hiện một loạt nhiệm vụ theo một lịch trình nhất định, hướng đến mục tiêu chung của tổ chức. Kỹ năng lãnh đạo là sự phối hợp nhiều kỹ năng, nhiều kiến thức ở nhiều khía cạnh khác nhau. Một ứng viên sở hữu kỹ năng lãnh đạo xuất sắc luôn thuận lợi đạt những thành tích cao trong công việc và những vị trí quản lý cấp cao trong tổ chức.
Tầm quan trọng của kỹ năng lãnh đạo trong doanh nghiệp
Kỹ năng lãnh đạo góp phần mang đến lợi thế lớn cho ứng viên trong quá trình cạnh tranh ứng tuyển, đặc biệt là ở những vị trí quản lý cấp cao. Đây cũng là kỹ năng mà nhà tuyển dụng đặc biệt tìm kiếm và có tỷ lệ thang điểm đánh giá cao nhất khi lựa chọn ứng viên. Bởi lẽ, một người sở hữu kỹ năng lãnh đạo giỏi sẽ:
- Ủy thác, phân bổ đúng người đúng việc
- Giải quyết xung đột hiệu quả, công bằng, tạo sự an tâm cho nhân viên
- Khích lệ tinh thần làm việc cống hiến của tập thể
- Hỗ trợ đắc lực cho ban giám đốc trong vai trò điều phối, chỉ đạo triển khai kế hoạch…
Chính vì tầm quan trọng này mà ngay từ khi soạn CV, ứng viên đã phải chú trọng thể hiện năng lực lãnh đạo vượt trội của mình.
Kỹ năng lãnh đạo bao gồm những nội dung gì?
Lãnh đạo không chỉ là một kỹ năng đơn lẻ mà là sự kết hợp của nhiều kỹ năng khác nhau, phối hợp đan xen lãnh nhau trong quá trình làm việc. Trong đó, 9 kỹ năng nhỏ dưới đây chính là những trọng tâm cốt lõi hợp thành kỹ năng lãnh đạo
1. Kỹ năng giao tiếp linh hoạt
Giao tiếp là hoạt động thường xuyên đối với vị trí quản lý cấp cao. Xét trong phạm vi kỹ năng lãnh đạo thì giao tiếp nội bộ được chú trọng hơn, bao gồm:
- Chủ trì cuộc họp trao đổi thống nhất ý kiến
- Định hướng giải quyết, triển khai kế hoạch
- Xây dựng quy chuẩn thực hiện, thúc đẩy mục tiêu cho từng nhân viên…
Ngoài ra, nhiệm vụ giao tiếp thương thảo hợp đồng, thuyết phục khách hàng cũng đòi hỏi kỹ năng giao tiếp giỏi từ người lãnh đạo.
2. Năng lực quyết đoán vượt trội
Quyết đoán phương án và phương hướng xử lý giỏi mới có thể khiến nhân viên nể phục và nghiêm túc thực hiện chỉ đạo được giao phó. Đây là yêu cầu bắt buộc một người lãnh đạo cấp cao phải hoàn thành tốt vì vậy, năng lực quyết đoán chính là mảnh ghép không thể thiếu trong kỹ năng lãnh đạo.
3. Ủy thác đúng người, đúng việc
Mỗi cá nhân có những ưu nhược điểm riêng. Với vai trò quản lý, người lãnh đạo phải có trực giác và năng lực phân tích nhân sự tốt để phát hiện điểm mạnh của từng nhân viên. Từ đó mới có thể phân chia công việc cụ thể phù hợp, bố trí đúng người đúng việc, tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp mà vẫn có thể nâng cao hiệu quả công việc
4. Khả năng truyền năng lượng tích cực
Một người lãnh đạo nhiệt huyết là chưa đủ, bản thân họ còn phải truyền nhiệt huyết đó đến tất cả nhân viên cấp dưới để tạo thành một tập thể đoàn kết, nỗ lực hết mình vì mục tiêu đề ra.
Truyền động lực có nhiều phương cách từ lời động viên, lời khen, phần thưởng vật chất, quyền chủ động quyết định… để nhân viên biết được rằng một khi họ nỗ lực mang lại kết quả tốt, tất cả đều được công nhận và đánh giá công bằng, minh bạch.
5. Khả năng linh hoạt sáng tạo
Cùng một tính chất công việc nhưng ở những giai đoạn kinh tế khác nhau đều sẽ đòi hỏi sự linh hoạt thích ứng khác nhau. Nếu người quản lý cứ theo lối mòn thì hiệu quả chỉ đạo công việc sẽ không cao, chưa kể nhân viên cấp dưới sẽ không cảm nhận sự vượt trội từ cấp trên của mình. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng lãnh đạo những nhiệm vụ sau này.
6. Khả năng xây dựng sự tin cậy
- Đối xử nhân viên công bằng minh bạch
- Phân rõ trách nhiệm từng cá nhân
- Đồng hành cùng nhân viên xử lý sự cố phát sinh
- Chắc chắn trong từng quyết định đưa ra…
Làm được những điều này, niềm tin của nhân viên dành cho lãnh đạo sẽ ngày càng tăng cao. Nhân viên cảm thấy an tâm khi làm việc và sẵn sàng cống hiến hết mình vì họ biết rằng những gì họ làm luôn được đánh giá trung thực và có sự hỗ trợ từ chính người quản lý của mình.
7. Tinh thần trách nhiệm cao
- Muốn nhân viên làm việc có trách nhiệm thì chính người lãnh đạo phải là một tấm gương sáng.
- Nắm rõ quy trình triển khai từng nhiệm vụ
- Theo sát tiến độ thông qua báo cáo và trực tiếp khảo sát
- Sẵn sàng chịu trách nhiệm, không đổ lỗi nhân viên …
8. Kỹ năng quản lý thời gian
Mỗi kế hoạch đề ra đều có thời hạn cụ thể nhưng thực hiện chi tiết từng bước trong khoảng thời gian bao lâu, dự phòng thời gian thế nào, phương án xử lý khi có nguy cơ kéo dài tiến độ ra sao…. Đều thuộc trách nhiệm của người quản lý.
Để hoàn thành xuất sắc kỹ năng này, người quản lý có thể nhờ sự tham mưu từ những cá nhân, trưởng bộ phận chứ không nhất thiết phải tự mình đảm trách toàn bộ. Điều quan trọng là một khi đã thống nhất xong kế hoạch chi tiết thì thời hạn thực tế cần được thông báo rõ ràng để mọi người hiểu tầm quan trọng mà tuân thủ triệt để.
9. Xây dựng tầm ảnh hưởng
Tầm ảnh hưởng tương tự như vai trò của người dẫn đường. Nhân viên cấp dưới là người trực tiếp triển khai công việc chi tiết nhưng quyền hạn và năng lực của họ có giới hạn. Trong những tình huống ngoài kế hoạch, họ rất cần một người có thể dẫn đường, giúp họ có thể học hỏi và giải quyết vấn đề đúng cách.
Và lúc này, quản lý cấp cao chính là người phải thực hiện hiệu quả kỳ vọng này. Đây chính là tầm ảnh hưởng mà kỹ năng lãnh đạo luôn đặt ra cho mọi ứng viên.
Để có thể thành công ứng tuyển ở những vị trí quản lý cấp cao, mỗi ứng viên đều phải nỗ lực trau dồi kỹ năng lãnh đạo ngay từ khi còn ở cấp bậc nhân viên. Nội dung những kỹ năng hợp thành kỹ năng lãnh đạo giỏi đã được chia sẻ trên đây. Còn làm thế nào để rèn luyện kỹ năng lãnh đạo hiệu quả, chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc trong loạt bài tiếp theo. Mời các bạn cùng đón đọc !